Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

TỔ SƯ DƯƠNG QUÂN TÙNG

- Dương Cứu Bần, tên Ích, Tự Thúc Mậu, Hiệu Quân Tùng. “Giang Tây Thông Chí” chép rằng : Quân Tùng, người Đậu châu. Làm Quốc Sư đời Đường Hy Tông, làm quan đến Quang Tử Quang Lục Đại Phu, chưởng quản Linh Đài. Vào năm Hoàng Sào phá kinh thành, ông bỏ vào núi Côn Lôn. Tương truyền vào lúc hỗn loạn ông lấy được cuốn sách trong hộp ngọc của Hoàng Gia (Ngọc Hạp Thư). Bởi vốn dĩ học thuật Huyền Không Phong Thủy chỉ được lưu hành trong chốn cung đình thuộc quyền sử dụng của Hoàng Tộc. Bước rồng một bước qua Kiền Châu, Ông mang thuật Địa Lý ra thi hành nơi thế tục, xưng là Cứu Bần Tiên Nhân, mất nơi Kiền Châu, chôn tại Trung Quân Khẩu. “ Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư” phần Tử ( Thầy ) cũng viết “ Quân tùng danh Ích, người Cám Châu” .
- Dương Quân Tùng sinh vào năm Đường Thái Hòa thứ 8 ( Tây Lịch 834 ) ngày 8 tháng 3 giờ Tuất, năm thứ 3 Đường Thiên Hữu ( Tây Lịch 906 ), gặp người hại ngầm, trúng độc mà chết, hưởng thọ 72 tuổi. Ông được an táng tại Dương Công thôn, làng Khoan Điền huyện Đô tỉnh Giang Tây bên bờ Mai Giang. Sau này do lũ từ trên núi đổ xuống, bờ sông lở vỡ mộ Dương Công dịch chuyển vào dáy sông, không còn thấy dấu nữa.
Có thể nói Dương Quân Tùng là người tập đại thành cho Phong Thủy Học của Trung Hoa. Đối với người đi trước như Xích Tùng tử, Quách Phác…ông không bỏ sót ai. Đối với thế hệ đi sau các Lý Luận của ông đã được phát huy tối đa để trở thành các học phái lớn như Huyền Không Phi Tinh Phái, Tam Hợp Phái, Giang Tây Phái (Diêu Giang Phái), Quảng Đông Phái (Mân Phái), Phúc Kiến….
Các trước tác của ông hoặc được cho là của ông gồm: “Hám Long Kinh”, “Nghi Long Kinh”, “Thanh Nang Áo Ngữ”, “Thiên Ngọc Kinh”, “Ngọc Xích Kinh”…
Các thế hệ sau kế tiếp ông có rất nhiều nhân vật xuất sắc như Tằng Văn Địch, Liêu Vũ, Lưu Giang Đông , Lại Bố Y ...thậm chí đã làm một vùng Văn Hóa Phong Thủy đặc sắc tại Cám Nam mà trung tâm là huyện Hưng Quốc – Trung Quốc.


*HOÀNG THẠCH CÔNG:
 Có một nhân vật mà chắc chắn ít người học Phong Thủy biết đến nhưng lại có vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của Phong Thủy Học, đó là Hoàng Thạch Công, ông tên thật là gì không ai biết, người ta chỉ biết đến ông thông qua một nhân vật vĩ đại khác, là người khai quốc mở ra lịch sử nhà Hán 400 năm, đến khi công thành đã nhanh chóng thoái ẩn Tu Đạo - Trương Lương. Tương truyền sau khi được thử thách lòng kiên trì nhặt giày cho một Lão Ông, Trương Lương khi đó còn rất trẻ đã được truyền thụ cho cuốn sách "Tam Lược" sau này dùng các học thuật phò giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang dựng nghiệp từ tay trắng...Và cũng vì lời hẹn ước "13 năm sau ngươi sẽ gặp ta. Hòn đá màu vàng ở chân núi Cốc thành phía Bắc sông Tế là ta đó!" mà người ta gọi vị Trưởng Bối đó là Hoàng Thạch Công (Ông Đá Vàng) chứ tên thật và hình tích chân thực ra sao thì không ai biết ...

Trong Phong Thủy học có lưu truyền một câu "Đệ Nhất Tiên Sinh khán Tinh Đẩu; Đệ Nhị Tiên Sinh tầm Thủy Khẩu; Đệ Tam Tiên Sinh mãn sơn tẩu" ý nói các vị Thầy Phong Thủy ở vào hàng thứ nhất muốn Điểm Huyệt thì xem Tinh Đẩu mà bày Quái Hào; Các vị ở tầng thứ hai thì căn cứ vào Thủy Khẩu để phán đoán chỗ kết Huyệt; Còn như hàng cuối cùng thì vác La Kinh lặn lội khắp nơi để tầm long tróc mạch...đây chính là chỗ người học Phong Thủy có nắm được hay không Hoàng Thạch Công Phiên Quái để từ đó theo Long Mạch phán đoán nơi có thể kết Huyệt Trường...Ôi vẫn là Tham - Cự - Lộc - Văn - Liêm - Vũ - Phá mà diệu dụng khôn lường ...Đó là cái công lớn lao của Hoàng Thạch Công vị Tôn Sư ẩn nhẫn và Trương Tử Phòng người học trò kiên nhẫn vậy !

*QUÁCH PHÁC
Quách Phác (276 - 324 sau Công Nguyên) là một Văn Học Gia và Huấn Hỗ Gia (Chú giải các Kinh Điển) đời Đông Tấn. Ông tên chữ là Cảnh Thuần, người ở Văn Hỷ Hà Đông (nay thuộc Sơn Tây). Ông được xếp hàng đầu chuyên về Cổ Học Văn Kỳ Tự, Từ Phú, ông cũng có nghiều nghiên cứu về Âm Dương Thuật Toán Ngũ Hành cũng Bốc Phệ Dịch Kinh. Ông từng chú giải rất nhiều dinh điển quan trọng như Chu Dịch, Sơn Hải Kinh...

Quách Phác được hậu thế coi trọng là bậc Tổ Sư Khai Sơn của Học Thuật Phong Thủy, luận về Phong Thủy Học không thể không nói đến Quách Phác. Trong sách "Tấn Thư" nói về ông như sau "Phác chuyên học Kinh Thuật, sâu rộng có tài cao", "Giỏi về cổ văn kỳ tự, có hiểu biết sâu sắc về thuật toán âm dương ngũ hành", "Hiểu sâu sắc về bói Dịch và Ngũ Hành, chuyển họa tránh tai, thông biến vô cùng"...Tương truyền ông là người viết Táng Thư là người đầu tiên nói đến hai chữ Phong Thủy “葬者,乘生气也。经曰:气乘风而散,界水则止古人聚之使不散,行之使不散,行之使有止,故谓之风水” (Táng giả, thừa sinh Khí dã. Kinh viết: "Khí thừa Phong nhi Tán, giới Thủy tắc chỉ, cổ nhân tụ chi sử bất tán, hành chi sử bất tán, hành chi sử hữu chỉ, cố vị chi Phong Thủy). Cũng theo truyền thuyết Thành Ôn Châu (Nay vẫn còn) là do Quách Phác lợi dụng địa thế tự nhiên sử dụng các gọn núi xếp thành hình sao Bắc Đẩu mà kiến thiết. Khi đó mọi người định ở tại bờ bắc của sông mà kiến thiết thành mới, cho mời Quách Phác điểm đất, ông đi thuyền qua bờ bắc xem đất, nhận thấy đất nơi ấy quá nhẹ, không để xây thành được, mới đi qua bên này sông, trèo lên dãy núi phía Tây Bắc, xem thấy các ngọn núi hình thành nên một chuỗi tựa hình sao Bắc Đẩu, Hoa Cái Sơn khóa ngay cửa khẩu, liền nói với mọi người: "Nếu kiến thiết Thành mới ở phía ngoài núi, có thể tụ được Phú Quý, song e có nhiều họa chiến tranh, nếu kiến thiết Thành ở trong núi, có thể giữ được sự an định lâu dài" do đó mọi người đồng lòng kiến thiết Thành Ôn Châu dựa vào trong núi. Chỗ núi mà Quách Phác leo lên quan sát từ đó có tên là Quách Công Sơn, để lưu dấu công tích một vị Đại Sư về Học Thuật Phong Thủy.
Nói đến Quách Phác tất không thể không nhắc đến bộ sách "Táng Thư" nổi tiếng của Ông. Trong bộ sách này lần đầu tiên các thuật ngữ về Phong Thủy Học đã được sử dụng như Sinh Khí, Tàng Phong, Đắc Thủy, Hình Thế, Tứ Linh, Phương Vị ...Sau này cho dù Phong Thủy Học đã phát triển thành nhiều môn nhiều phái, song các Tri Thức Căn Bản này đều được các Phái khai thác sử dụng rất nhiều.
Phong Thủy Học của Quách Cảnh Thuần Tiên Sinh không chỉ là một bộ môn học thuật đơn thuần, cao hơn nữa nó chân chính là một Triết Lý Nhân Sinh về Hiếu Tâm (Lòng Hiếu Nghĩa) của con người. "Cho nên Danh Mộ trong thiên hạ đều ở tại chỗ đó. Đều là Chân Long phát tích, xa xa trăm dặm, hoặc hơn mười dặm mà kết Một Huyệt, tại chỗ Kết Huyệt là Núi bọc vòng vòng bảo vệ nâng đỡ, nước chảy quang co nuôi dưỡng, tầng tầng lớp lớp, sa thủy tụ tập, nương tựa trước sau. Hình thành một Huyệt tất là do tinh anh sông núi, ngưng kết dung hội mới thành được. Muốn lấy được cái Tinh Anh đất trời đó, lấy di cốt cha mẹ mà táng tại nới đó, gửi gắm cả tương lai con cháu chỗ ấy, cho nên cũng là chỗ ký thác Tâm vậy. Ký thác Tâm ấy nên có cảm thông, tạo phúc cho hậu thế. Là Tâm của người có Trí Tuệ thông chỗ Khí, Khí lại thông với Trời, lấy cái Linh của Tâm người thông với cái Linh của Đất Trời Càn Khôn, giáng Thần dục Tú, là hợp lại nguồn sinh tức....Bởi vậy Tung Sơn xuất hai Đại Thừa Tướng, núi Ni Khâu sinh ra Đức Khổng Tử, nào phải ngẫu nhiên đâu ?! chẳng phải chôn xương cốt đâu, là chôn Tâm Người đó vậy."...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét