Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

THÔN BÁT QUÁI CỦA KHỔNG MINH

Nhiều nhà khoa học chuyên nghiên cứu về môi trường và kiến trúc trên thế giới đang tập trung khảo sát một mô hình thôn trang kỳ bí theo bố cục bát quái ở Trung Quốc.
Thôn này có tên là thôn Gia Cát hay Bát Quái, tọa lạc tại thị trấn Lan Khê, tỉnh Triết Giang, được mệnh danh là “Trung Quốc đệ nhất thôn”. Đây cũng chính là trung tâm sinh sống của hậu duệ Khổng Minh Gia Cát Lượng nổi tiếng thời Tam Quốc.
Dựa theo Bát quái trận đồ lập nên thôn
Vào cuối đời Tống, đầu nhà Nguyên (khoảng năm 1300), hậu duệ đời thứ 27 của Gia Cát Lượng là Gia Cát Đại Sư bắt đầu lập thôn Bát Quái tại Lan Khê, Triết Giang.
Theo sử chép, Gia Cát Lượng từng lập ra một trận pháp thần kỳ gọi là Bát trận đồ, biến ảo khôn lường, uy lực vô cùng, từng vây khốn cả 10 vạn tinh binh của đại tướng Đông Ngô Lục Tốn.
Thôn nhìn từ trên cao:
Gia Cát Đại Sư đã vận dụng học thuyết Kham dư (phong thủy) vào Bát quái trận đồ của ông tổ mình, thiết lập thôn trang án theo Cửu cung bát quái.

Thôn lấy cái hồ lớn (chung trì, nửa nước nửa đất) hình thái cực làm trung tâm, 8 con đường từ hồ toả ra thành “nội bát quái”.
Phía ngoài thôn lại đắp 8 tòa núi nhỏ hình thành “ngoại bát quái” bao bọc. Các sảnh, đường, nhà ở phân bố dọc theo 8 đường. Gia Cát Đại Sư trước khi qua đời có để di huấn là không được thay đổi nguyên dạng.
Trải qua hơn 800 năm dâu bể, lượng người trong thôn tăng lên nhiều, nhưng tổng thể cửu cung bát quái không hề thay đổi.
Hồ Thái Cực ở trung tâm thôn:
Trong thôn có đền thờ Thừa tướng Gia Cát Lượng, hoa viên, 3 nhà bia, 18 sảnh đường, 18 giếng, 18 ao, hơn 200 phòng ốc đều là kiến trúc cổ đời Minh, Thanh rất độc đáo.
Con cháu Gia Cát đời đời đều theo lời giáo huấn của tổ phụ “không làm lương tướng, tất làm lương y” nên nhiều đời theo nghề thuốc.
Trong thôn có cả Nhà triển lãm trung y dược, vườn thảo dược… Nơi đây, riêng đời Minh, Thanh đã có 5 tiến sĩ, 11 cử nhân, hàng trăm tú tài. Các chuyên gia, học giả Trung Quốc đang đề nghị đổi Lan Khê thành TP Võ Hầu.
“Đêm không cần đóng cửa, ngoài không nhặt của rơi”
Theo nhiều nhà nghiên cứu, kiến trúc bát quái này có công năng phòng vệ và cải tạo môi trường rất cao. Thôn Gia Cát đặc biệt mát mẻ, sạch sẽ, thông thoáng.
Kiến trúc trong thôn:
Nhà kiến trúc Từ Quốc Bình cho rằng, kiểu kiến trúc của thôn này hoàn toàn khác với phong cách thôn trang truyền thống Trung Quốc, không lấy trung tuyến làm chủ mà bức xạ ra 8 hướng.
Các nhà trong thôn mặt đối nhau, đuôi liền nhau, đường nối nhau, rất thoáng mà kỳ thực kín đáo. Địa hình xung quanh nhìn giống như cái nồi, bốn phía cao, giữa thấp. Người ngoài vào thôn, nếu không có người quen dẫn đường thì lẩn quẩn không biết lối ra.
Nhà thư pháp Gia Cát Cao Phong, cháu đời thứ 42 của Gia Cát Lượng cho biết, trong thôn “đêm không cần đóng cửa, ngoài không nhặt của rơi”.
Năm 1925, chiến tranh ác liệt, quân đội của Quốc dân đảng là Tiêu Kính Quang đánh nhau với quân phiệt Tôn Truyền Phương 3 ngày dữ dội sát bên thôn Bát Quái nhưng không có viên đạn nào lọt vào thôn.
Khi quân Nhật tấn công xuống phía nam, đại quân kéo qua đại lộ Long Cương nhưng không phát hiện ra thôn này. Duy có 1 lần máy bay Nhật ném bom trúng 1 phòng trong thôn.
Theo thống kê tại hội thảo “Nghiên cứu Gia Cát Lượng học” lần thứ 7 toàn Trung Quốc (10/1993), hậu duệ các chi của Gia Cát Lượng hiện có khoảng 16.000 người, riêng ở Lan Khê có hơn 6.000 người. Trong thôn này, hơn 4.000 người đều mang họ Gia Cát và xưng là “người mình” với nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét