Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

BÀ CỬU THIÊN HUYỀN NỮ

Nhắc đến Phong Thủy Học có rất nhiều người nghe đến tên tuổi của một Vị được coi là Tổ Sư của các bộ môn Phong Thủy – Kỳ Môn Độn Giáp của Trung Hoa. Đó là Cửu Thiên Huyền Nữ. Một vị Nữ thần trong truyền thuyết của Trung Hoa cổ đại.
Cửu Thiên Thánh Mẫu là tên một vị Nữ Thần trong Đạo Giáo, tục thường gọi là Cửu Thiên Huyền Nữ, Cửu Thiên Nương Nương. Trong Thần Thoại cổ truyền của Trung Hoa là một vị Nữ thần có Pháp lực vô biên. Do có công trừ bạo an dân nên được Ngọc Hoàng Thượng Đế sắc phong là Cửu Thiên Huyền Nữ, Cửu Thiên Thánh Mẫu..
Theo truyền thuyết cổ xưa khi Hoàng Đế giao chiến với Xuy Vưu ở Trác Lộc (Nay thuộc tỉnh Hà Bắc huyện Trác Lộc) đánh chín trận mà không thắng nổi. Xi Vưu rất mạnh, y dùng Pháp Thuật làm mây mù mờ mịt ba ngày ba đêm, làm cho quân sĩ không nhìn thấy mặt trời, không phân biệt nổi đường đi sông núi phương hướng, hãm Hoàng Đế dưới chân núi Thái Sơn. Hoàng Đế thấy quân sĩ của mình không có cách gì tác chiến, dẫn binh quay về chân núi Thái Sơn, đêm ngày suy nghĩ băn khoăn. Tây Linh Thánh Mẫu liền sai sứ giả đem áo choàng lông cáo xuống trao cho Hoàng Đế và nói “Thái Nhất tại tiền, Thiên Nhất tại Hậu, Đắc Chi Giả Thắng, Chiến tắc khắc hỹ.” Tây Linh Thánh Mẫu truyền cho Thần Phù “Rộng ba tấc, dài ba thước, sáng xanh như ngọc, nét chữ như máu đỏ”
Truyền Thần Phù xong, Tây Linh Thánh Mẫu lại lệnh cho đệ tử của mình là Cửu thiên Huyền Nữ truyền thụ cho Hoàng Đế “ Tam Cung Ngũ Ý Chi Lược, Thái Nhất Độn Giáp, Lục Nhâm Bộ Đẩu Chi Thuật, Âm Phù Chi Cơ, Linh Bảo Ngũ Phù Ngũ Thắng Chi Văn”. Để chắc thắng Xuy Vưu Cửu Thiên Huyền Nữ lại chỉ cho Hoàng Đế chế ra một cái trống da trâu có 80 mặt rất lớn, lại cấp cho sách lược, ấn kiếm, dùng để chiến đấu. Sau đó Hoàng Đế đã đánh bại được Xuy Vưu.
Đó là trong truyền thuyết ! Sự mờ ảo của truyền thuyết thực sự đã không cho các nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay tìm ra hành tích chân thực của Cửu Thiên Huyền Nữ. Có người đặt giả thuyết rằng đó là một vị nữ Quân Sư của Hoàng Đế. Tuy nhiên các bộ sách và học thuật mà tương truyền là của Cửu thiên Huyền Huyền Nữ vẫn tồn tại đến nay. Các thế hệ học giả sau này vì ghi nhớ công ơn của Bà đã lấy tên Bà ký thác cho các tác phẩm của mình. Như “Dương Công Mặc Thụ Huyền Nữ Bí Chỉ”, “Hồng Loan Cửu Thiên Huyền Nữ Bí Chỉ” đều là các sách có giá trị trong học thuật, và văn hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét