Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

AM DƯƠNG NGŨ HÀNH HÀ ĐỒ LẠC THƯ

Âm Dương Ngũ Hành

DỊCH KINH
Phỏng theo Chu Dịch của cụ Phan Bội Châu thì KINH DỊCH được làm ra do bốn ngài Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, và Khổng Tử. Ngài Phục Hy vạch ra tám quẻ (đơn), và mỗi quẻ chồng thêm một (quẻ), tám lần thành ra 64 quẻ (kép); Ngài Văn Vương làm soán từ vào dưới 64 quẻ; đến con Ngài là Thánh Chu Công, lại làm Hào-từ đặt vào dưới 384 hào; Đức Khổng Tử lại thể-ý tùy thời của ba Thánh trước mà làm thêm bản Thập Dực. Dực nghĩa là cánh của con chim, vì Khổng Tử cho rằng sách của ba vị Thánh trước đã đủ hình con chim rồi, bây giờ thêm lông cánh nữa là hoàn toàn.
Nếu ai đã từng học qua Dịch đều biết rằng mấy ngàn năm qua, đã có không biết bao nhiêu học giả tranh luận sinh tử về việc ai sáng lập ra Dịch Kinh. Vô hình chung, hình như, họ đã đặt trọng tâm sai chỗ! Trên thực tế, ai làm ra cũng chẳng quan trọng lắm, mà chúng ta học được gì nơi Dịch Kinh mới thật sự là quan trọng!
A. Dịch là gì?
- Dịch là Bất Dịch, Giao Dịch, và Biến Dịch.
Bất Dịch có nghĩa là không thay đổi. Ví như ta là người con trai (Dương) hay con gái (Âm) Việt Nam thì dù ta có thay tên Mỹ, đổi họ Mỹ, và đang ở Mỹ cũng vẫn là người con trai (Dương) hoặc con gái (Âm) Việt Nam (cái gốc).
Giao Dịch là hòa hợp, trao đổi cho nhau. Bất Dịch là nguyên thể (Thể); Giao Dịch là ứng dụng (Dụng). Ví như ta là người Việt Nam ở Mỹ và lấy một cô đầm (Âm) hay một anh Mỹ (Dương) rồi đẻ con, đó là Giao Dịch.
Biến Dịch là biến hóa, thay đổi. Cũng như ta là người Việt Nam (Bất Dịch) lấy vợ (Giao Dịch) Mỹ thì hiển nhiên con ta sanh ra (Biến Dịch) phải là Việt Nam lai Mỹ. Không thể nào là người Việt chánh gốc được. Đó là Biến Dịch.
Ví dụ: nguyên thủy của một người con trai (Dương) hoặc một người con gái (Âm) là bất-dịch. Nhưng khi giao-dịch sinh ra trai hay gái, ấy là do giao-dịch mà thành biến-dịch. Khi đã biến-dịch rồi thì bản thể nguyên thủy của trai vẫn là trai và gái vẫn là gái. Đó là do biến-dịch mà hoàn lại bất-dịch vậy.
Cái lý mầu nhiệm của Dịch là tùy thời, tùy lúc, và tùy phương tiện mà hòa hợp, sử dụng nên người nào câu nệ ở từ-ngữ, ý niệm, tư tưởng hoặc thí dụ, mà trụ chấp vào đó thì không thể nào hiểu sâu xa được. Đó chỉ là những phương tiện, “ví như chiếc thuyền đưa ta qua bên kia sông, khi lên bờ rồi không thể mang chiếc thuyền ấy theo được” (Kinh Kim Cang). Hoặc “nhân ngón tay mà nhìn mặt trăng vậy, đừng nhìn ngón tay mà quên mất cái ánh sáng huyền diệu của ánh trăng” (Kinh Viên Giác).
B. Muốn học Dịch thì phải biết chữ Thời.
Bởi thế, Thầy Thiệu Khang Tiết mới nói rằng: “Chu-Dịch nhất bộ, khả nhất ngôn dĩ tế chi, viết Thì”. Toàn bộ Dịch chỉ một chữ Thì mà bao trùm được hết! Lúc cần phải dừng lại thì dừng lại, lúc cần phải hành động thì hành động; động tịnh mà đúng lúc đúng thời là “kỳ đạo quang minh”. Chính bởi vì thời có biến-dịch, nên Dịch lý mới biến-dịch.
Như ta thấy thời gian trong vũ trụ từ một giờ đến một ngày, một tháng, một năm, hay một đời người, thay đổi biến hóa không ngừng. Hết ngày tới đêm, hết đêm tới ngày cứ luân chuyển từng giờ, từng ngày, từng tháng, tạo thành Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hết năm này qua năm khác, bốn mùa cứ biến-dịch rồi hoàn lại bất dịch. Vậy nên đêm thì ngủ, ngày thì thức và làm việc; mùa Hạ thì dùng máy lạnh, mùa Đông thì dùng máy sưởi. Đây chỉ là những điển hình của lẽ tự nhiên, nhưng nếu suy rộng ra ta có thể nhân đó mà tu thân, sửa mình, tề gia, hoặc giáo dục con cái một cách hữu hiệu hơn. Dù là thiên nhiên vẫn nằm trong Dịch lý “sự cùng tắc biến”, nghĩa là hết ngày phải tới đêm và hết đêm phải tới ngày. Ngày và đêm là hai thời gian và không gian trái nghịch nhau (một Âm, một Dương), tuy hai mà một không thể tách rời nhau, tức là không thể nào ngày hoài mà chẳng đêm hoặc ngược lại. Đây là điểm tối quan trọng, người nghiên cứu Tử Vi không thể không chú ý.
C. Dịch học là Dịch số:
Trong Dịch học quan trọng nhất là 4 bản Hà Đồ, Lạc Thư, Tiên Thiên, và Hậu Thiên Bát Quái. Hà Đồ và Tiên Thiên Bát Quái thì nói về vòng Tiên Thiên thuộc về khí (Thể), tức là nói về đức Càn (trời) lúc còn là bầu không khí (chưa biến dịch). Tất cả vạn vật đều bắt đầu do trời. Còn Lạc Thư và Hậu Thiên Bát Quái thì nói về vòng Hậu Thiên thuộc về hình (Dụng), tức là nói về đức Khôn (đất). Tất cả vạn vật đều sinh sôi nẩy nở từ đó. Ấy là lúc nhân lọai và vạn vật đã thành hình.


I. HÀ ĐỒ

Hà Đồ có khác gì là một bức hình với tổng số 55 khoen đen, trắng. Ấy vậy mà các bậc Thánh nhân có thể bày thành số Cơ, Ngẫu, Âm, Dương. Cơ là số lẻ (1,3,5,7,9), thuộc về Dương số (khoen trắng). Ngẫu là số chẵn (2,4,6,8,10), thuộc về Âm số (khoen đen). Mấu chốt của Dịch chẳng gì khác hơn là Âm-Dương! Hệ Từ Truyện nói rằng: “Dịch có Thái-Cực, Thái Cực sinh Lưỡng-Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ-Tượng”. Lưỡng-Nghi là Âm-Dương, mà Tứ-Tượng cũng chỉ là Âm Dương mà thôi.
Nguyên trước khi có trái đất, vũ trụ được bao trùm bởi màn hư không, giữa không gian ấy tức là (Thái-Cực) thiên, mà ta gọi là trời, và ở trong không khí (Thái-Cực) ấy hàm súc hai khí Âm và Dương gọi là nhất-âm, nhất-dương. Hai khí Âm Dương kết hợp với nhau ngưng tụ tạo thành trái đất (địa), mà ta gọi là đất. Khi đã có trời đất rồi thì liền phát sinh Thủy, Hỏa, Mộc, Kim (Tứ-Tượng) hay còn gọi là Thái Âm, Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu-Âm. Nên đã đọc Dịch thì phải nhớ câu: Thái-Cực sinh Lưỡng-Nghi, Lưỡng-Nghi sinh Tứ-Tượng, Tứ-Tượng sinh Bát-Quái.
Nhìn vào Hà Đồ ta thấy có bốn hướng chính là: Đông (Mộc), Tây (Kim), Nam (Hỏa), Bắc (Thủy), còn ở giửa là Trung (Thổ).
1. Nhìn phía trong của Hà Đồ, ta thấy phương Bắc có một khoen trắng (Dương) bị bao bọc bởi sáu khoen đen (Âm) bên ngoài (nhất lục Thủy). Như ngầm báo cho ta biết lúc mà Âm cực thịnh thì đã có Dương ẩn tàng bên trong. (Nên chi người tri thức gặp vận bĩ vẫn không buồn mà biết ẩn nhẩn để chờ thời)!
2. Cổ nhân cho rằng: nguyên lúc đầu trong trời đất có chất Thủy trước nhất, nên lấy số (1) làm số thiên sinh Thủy và số (6) thành thủy. Sau khi có Thủy rồi, đồng thời bao nhiêu nhiệt chất ở trong địa cầu cũng đều phát hiện. Nên phương Nam có hai khoen đen (Âm) bị bao bọc bởi bảy khoen trắng (Dương) bên ngoài (nhị thất Hỏa), như ngầm báo khi Dương cực thịnh thì Âm đã ẩn tàng bên trong. (Chính vì vậy, mà người tri thức lo phòng họa đang khi cực thịnh; còn người ngu si thì lại mừng, quên lo khi cực thịnh).
3. Đã có Thủy và Hỏa thì đồng thời Mộc là cây cỏ cũng sinh sôi nảy nở, nên phía Đông có ba khoen trắng bị bao bọc bởi tám khoen đen bên ngoài (tam bát Mộc). Cho thấy khí Dương đang lấn áp khí Âm (thuộc về mặt trời ban mai, mọc hướng Đông). Dương ở bên trong làm chủ, nên tinh thần làm chủ vật chất!
4. Đồng lúc ấy, bao nhiêu khoáng chất ở trong địa cầu cũng nảy nở ra nên phía Tây có bốn khoen đen bị bao bọc bởi chín khoen trắng bên ngoài (tứ cửu kim). Cho ta thấy khí Âm đang lấn áp khí Dương (thuộc về hoàng hôn, sụp tối, mặt trời lặng nhường lại cho mặt trăng)1. Âm ở bên trong làm chủ, nên vật chất làm chủ tinh thần!
5. Như trên đã nói: số 1,3,5,7,9 là số Cơ, thuộc về Dương gọi là Thiên-số. Số 2,4,6,8 là số Ngẫu, thuộc về Âm gọi là Địa-số. Ở trung tâm Hà Đồ ta thấy có số 5 (năm khoen trắng là thiên số Ngũ) Dương. Ở phía Nam có năm khoen đen (Âm), ở phía Bắc có năm khoen đen (Âm), nếu ta cộng 2 số phương Nam và phương Bắc ấy lại ta có Địa-số 10 (thập). Thiên-số Ngũ (5) sinh Thổ, Địa-số Thập thành Thổ, 2 số ấy hợp lại với nhau mà thành Thổ. Ngũ Thập Thổ sở dĩ đặt ở giữa đồ là vì, hai số ấy là trung tâm điểm của công dụng Tạo-hóa. Như ta thấy tất cả Thủy, Hỏa, Mộc, Kim gì cũng đều từ đất mà phát sinh. Vậy nên số 5 (Thổ) phải được phối hợp với bốn số 1,2,3,4 mới thành được Thủy, Hỏa, Mộc, Kim.
Thí Dụ: số 1 là số sinh Thủy, cộng với 5 (Thổ) thành 6, nên 6 là số thành Thủy.
Thế nên mới nói:
Số 1 sinh Thủy, số 6 thành Thủy
Số 2 sinh Hỏa, số 7 thành Hỏa
Số 3 sinh Mộc, số 8 thành Mộc
Số 4 sinh Kim, số 9 thành Kim
Số 5 sinh Thổ, số 10 thành Thổ
Từ đó chúng ta cũng biết được số 1,2,3,4,5 là số Sinh, còn số 6,7,8,9 và 10 là số Thành. Số 1,3,5 là số Dương sinh, và 2, 4 là số Âm Sinh; còn số 6,8,10 là số Âm Thành, và 7, 9 là số Dương thành. Để kiểm định lại, ta thấy hễ số Sinh là Dương thì số Thành là Âm, mà số sinh là Âm thì số thành phải là Dương. Suy ra, ta có một nhóm số từ một đến mười (Thái Cực). Rồi chia làm hai ra (Lưỡng Nghi) thành nhóm số Sinh và nhóm số Thành, và lại chia làm bốn ra (Tứ Tượng) thành số Dương Sinh, Âm Sinh, Dương Thành, và Âm Thành. Tựu trung vẫn là thuyết Âm Dương! Như nhóm Thái Cực từ 1 đến 10 chỉ là sự tập hợp của những số Âm và số Dương, rồi đến Lưỡng Nghi cũng là Âm với Dương, và Tứ Tượng cũng vẫn là Âm với Dương mà thôi (1).

____________________
1. “Chu Dịch Tập Giải” giải thích về các con số như sau: “Trời cao bắt đầu từ ba (3) trở đi đếm tiếp 5,7,9, không lấy 1. Đất rộng bắt đầu từ hai (2) nhưng đếm ngược lại từ 10, 8, 6, không lấy 4”, chính vì vậy mà Hào Dương thì gọi là Hào Cửu, và Hào Âm thì gọi là Hào Lục.
Tóm lại, nguyên lý của tạo hóa, vạn vật hóa sinh, đều do Âm-Dương hòa hợp mà ra. Âm-Dương được gọi là hai cực, hai khí, hoặc hai trạng thái, ...v.v., trái nghịch nhau nhưng hỗ tương cho nhau để sinh tồn.
Như chúng ta biết, mặt trời mọc phương Đông lặn phương Tây. Phương Đông Dương thịnh (nên trọng nam khinh nữ), bởi vậy không gian thường sáng. Phương Tây Âm thịnh (do đó phái nữ được trọng) nên không gian thường tối, chỉ có mặt trăng không đủ sức làm cho không gian sáng sủa, ngoại trừ những đêm trăng rằm (nhưng hễ cái gì hiếm thì quý!). Theo luật bù trừ: mặt trời sáng sủa, tỏa rộng, nhưng nóng cháy; còn mặt trăng thì ít khi tròn nhưng lại trong sáng, mát dịu, và là biểu tượng của thơ văn. Về học vấn thì người phương Tây giỏi về chuyên ngành, người phương Đông thì giỏi về tổng quát.
Dương tượng trưng cho khí (tinh thần), còn Âm tượng trưng cho hình (vật thể). Cũng chính bởi lý đó, mà ta có thể biết được người Đông-phương thì sống thiên về tinh thần (khí-Thể), còn người Tây-phương thì quan trọng vật chất (vật thể hay hình-Dụng). Hiện nay, người Việt ở những nước Tây-Âu có mức ly dị khá cao so với người Việt trong nước, với những lý do thật đơn giản như: chồng không cung cấp đủ tiền bạc, hoặc sinh lý... Những vấn đề nầy sẽ lan truyền sang Việt Nam trong một thời gian không lâu nữa, khi mà đời sống vật chất ở Việt Nam đòi hỏi ngang bằng Tây-Âu. Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng những người ham mê vật chất (nhiều lòng tham và dục vọng) thì thân tâm thường lu mờ, thiếu lòng nhân và tâm từ thiện. Họ là những người sống trong bóng đêm! Trong Tử Vi họ là những người ôm vòng: Dục, Suy, Tuyệt, hoặc Đào Hoa-Thiên Không, hay Tham-Vũ.
Vì tượng cho Mộc (cây cỏ) nên Đông phương chủ về nông nghiệp, còn Tây phương tượng là Kim nên chủ về công nghiệp và cơ khí. Như ta thấy người Tây phương (Kim tượng cứng cỏi) quá dũng mãnh nên hay sát phạt. Nên từ chiến tranh bộ-lạc, chiến tranh lập quốc, xâm chiếm lục-địa, và đến Thế-chiến, Tây phương đã đổ không biết bao nhiêu xương máu. Trong khi sau Thành Cát Tư Hãn mấy trăm năm mới thấy Nhật khởi binh khuấy động thế giới trong đệ nhị Thế-Chiến.
Đông tượng trưng cho Mộc nên thể tính (tạng người) mềm mại (thường nhỏ con), còn Tây phương tượng trưng cho Kim nên thể tính cứng cỏi (thường bự con). Tuy nhiên như trên đã nói, phương Đông Dương bên trong, Âm bên ngoài nên bề ngoài thì mềm dẽo nhỏ thó, nhưng bên trong tiềm tàng một tinh thần bất khuất và gan lì. Còn phương Tây thì Âm bên trong Dương bên ngoài nên thấy tướng to lớn bề thế, nhưng bên trong lại rất nhu và yếu mềm (đây cũng là lý do tại sao Tây phương thờ vợ). Hơn nữa, chính cái khí nóng của (mặt trời) Thái Dương (vì lằn “vĩ” thuộc về không gian mà phương hướng là không gian, nên lấy lằn xích-đạo làm trục chánh), và Châu Á nằm ngay đường xích-đạo nên người châu Á rất nóng tính, thích đánh lộn, hơn cãi nhau. Còn người phương Tây thích cãi nhau, và họ rất nhát so với người Á Đông.
Cũng như phương Nam thuộc quẻ Ly ở giữa rỗng bụng như cái miệng mở, nói nhiều hoạt bát, tính nóng nhưng thường rộng rãi, nặng về vật chất phô trương. Phương Bắc thuộc quẻ Khảm ở giữa đặc ruột như cái miệng khép, nói năng cẩn trọng, tính nguội nhưng thường hiểm, nặng về tinh thần. Phương Nam Dương bao bọc bên ngoài (Thất), Âm bên trong (Nhị) nên tính tình nhu thuận, còn Phương Bắc, Âm bên ngoài (Lục), Dương bên trong (Nhất) nên tính bạo động. Đây là lý do tại sao toàn thế giới không một nước nào miền Nam đi xâm chiếm miền Bắc (khi phân tranh), mà toàn miền Bắc xâm chiếm miền Nam thôi.
Cổ nhân Chỉ dùng Hà Đồ và Lạc Thư mà trên thông Thiên Văn, dưới đạt Địa Lý, ngồi ở nhà mà vẫn biết hết chuyện thiên hạ. Thật là tài tình!
II. LẠC THƯ


Hình 4
Trung Quốc là một nước rất thích thần thoại hóa sử học của họ! Thật ra, lý do không ngoài mục đích tạo đức tin và lòng tín ngưỡng của người dân đối với các Thiên Tử (con trời) của các triều đại để họ có thể dễ cai trị. Vì vậy mà họ đã nói rằng: Hà Đồ là do vua Phục Hy thấy được trên lưng con Long-Mã đã hiện ra trên sông Mạnh Hà, còn Lạc Thư là do vua Đại Vũ đã thấy được trên lưng con rùa thần ở sông Lạc. Và thời nay, nhiều người Việt Nam cho rằng Lạc Thư là của Việt Nam, nhưng thiết tưởng như tôi đã nói trước đây: "ai làm ra không quan trọng, mà quan trọng là chúng ta học được gì từ nó".
Dựa vào lời tương truyền trên, nên họ lập Đồ Lạc Thư (hình 4) có hình thù giống như con rùa và đặt khẩu quyết như sau:
Đầu đội 9, đuôi đạp 1;
Sườn trái 3, sườn phải 7;
Vai trái 4, vai phải 2;
Chân trái 8, chân phải 6;
Số 5 ở giữa lưng (không có 10).
Cộng tất cả có 9 ngôi, và người ta cũng dùng để lập Cửu Trù hay ma-phương; số 5 ở giữa, tượng là Thái Cực.
Nhìn vào Lạc Thư ta thấy có những khác biệt với Hà Đồ như sau:
1. Các con số tổng cộng là 45 số vì không có con số 10.
2. Tất cả các con số của Lạc Thư là con số đơn, vì những con số Âm đã phân tán ra bốn góc như:
a. Số 2 chuyển qua góc Tây Nam.
b. Số 4 chuyển qua góc Đông Nam.
c. Số 8 chuyển qua góc Đông Bắc.
d. Số 6 chuyển qua góc Tây Bắc.
Bốn phương vị chính Đông (3), Tây (7), Nam (9), Bắc (1) thì thuộc Dương; còn bốn góc là Âm.
3. Hậu Thiên chú trọng nhất là con số 5 ở trung cung, còn được gọi là con số “Tam Thiên Lưỡng Địa", vì số 5 là số hỗn hợp của Âm căn 2 và Dương căn 3 (2 + 3 = 5). Nghĩa là số 2 là số căn của Âm số, còn số 3 là số căn của Dương số.
- Phần sau là nguyên văn của cụ Nguyễn Duy Cần (2) về những con số trong Lạc Thư do đâu mà có. Biết đâu từ đó, sau nầy có người sẽ tìm được nhiều điều mới lạ khác.
- Lạc Thư: Dương số ở các phương chính, Âm số ở các phương cạnh.
a. Dương thịnh qúa, sinh Âm: số 9 và số 7 ở Tây và Nam là số Dương thịnh, nên giữa Tây và Nam (tức là Tây-nam) phát sinh âm số, số 2 ở Tây Nam:
9 + 7= 16
Bỏ 10 còn lại 6 (16 - 10 = 6)
6 + 6 = 12
Bỏ 10 còn lại 2 (12 - 10 = 2)
Số 2 ở Tây-nam
b. Số 3 ở Đông; số 9 ở Nam:
3 + 9 = 12
Bỏ 10 còn 2 (12 - 10 = 2)
2 + 2 = 4
Số 4 ở Đông-nam
c. Số 7 ở Tây; số 1 ở Bắc:
7 + 1 = 8
8 + 8 = 16
Bỏ 10 còn 6 (16 - 10 = 6)
Số 6 ở Tây-bắc
d. Số 3 ở Đông; số 1 ở Bắc:
3 + 1 = 4
4 + 4 = 8
Số 8 ở Đông-bắc
Số 5 là con số trung bình ở giữa để làm mức độ cho các con số chung quanh. Lấy số Dương căn bản là 5 cộng với số Dương 1, 3, 5, 7, 9 thành ra số Âm 6, 8, 4, 2.
a) 5 + 9 = 14
(Trừ 10 còn lại 4, nên số 4 ở liên tiếp với số 9)
b) 5 + 3 = 8
(Cho nên số 8 ở liên tiếp với con số 3)
c) 5 + 1 = 6
(Cho nên số 6 ở liên tiếp với số 1)
d) 5 + 7 = 12
(Trừ 10 còn lại 2, nên số 2 ở liên tiếp với con số 7).
- Lẽ biến hóa Âm-Dương thấy rõ ở Hà Đồ và Tiên Thiên Bát Quái: Dương số đi vòng thuận, đi quanh phía tả từ Bắc sang Đông, sang Nam rồi từ Nam qua Tây, qua Bắc... (thuận chiều kim đồng hồ).
Âm số đi vòng nghịch, đi quanh bên hữu, từ Tây-nam qua Đông-nam, đến Đông-bắc, đến Tây-bắc, rồi trở lại Tây-nam (ngược chiều kim đồng hồ).
________________
2. “Dịch Học Tinh Hoa” của Nguyễn Duy Cần, tr. 92-94.
a) Dương số bắt đầu từ số 3:
Vì số 1 chưa có số thừa trừ, nên phải tính từ số 3 (lấy số 3 làm căn-bản), số 3 ở phía Đông.
Số 3 nhân cho 3 : (3 x 3 = 9)
Số 9 ở phía Nam (Lão Dương)
Số 3 nhân cho 9 : (3 x 9 = 27)
Trừ 2 lần 10, còn lại 7
Số 7 ở phía Tây
Số 3 nhân cho 7 : (3 x 7 = 21)
Trừ 2 lần 10, còn lại 1
Số 1 ở phía Bắc
b) Âm-số bắt đầu từ số 2, nên lấy số 2 làm căn-bản. Số 2 ở Tây-nam, Thiếu Âm.
2 x 2 = 4 (ở Đông-nam)
2 x 4 = 8 (ở Đông-bắc)
2 x 8 = 16 (trừ 10 còn 6)
Số 6 ở Tây-bắc
2 x 6 = 12 (trừ 10 còn 2)
Số 2 ở Tây-nam
Lạc Thư chỉ nói con số 9 mà không nói số 10, là chú trọng về khí hóa và ngũ-hành; cũng như Hà Đồ nói về số 10, tức là chú trọng về Âm Dương.
Đây là điểm tối quan trọng, không hiểu cụ Nguyễn Duy Cần đã dựa vào sách nào, hay do cụ thẩm thấu được. Nhưng, dù sao thì điểm nầy độc giả cũng nên nghiền ngẫm!
***************
Ma Phương:
4 9 2
3 5 7
8 1 6
Nếu cộng tất cả các chiều xuôi, ngược, dọc, ngang gì thì số thành vẫn là 15 (15 - 10 = 5). Vậy nên, con số 5 là con số Thái Cực ở trung cung, sinh hóa ra vạn vật. Những vị trí và con số của Lạc Thư và Hậu Thiên Bát Quái có một giá trị rất cao đối với những khoa thực dụng như: Y-học, Lý-Mệnh-học, Toán-học, Hóa-học v.v... Vì huyền nghĩa của nó đã gồm thâu toàn bộ vũ trụ vào trong ấy. Triết thuyết của Đông phương nói chug và Dịch Học nói riêng rất xem trọng những con số, phương hướng và vị trí của những con số trên (Dịch Số)!
III. TIÊN THIÊN BÁT QUÁI

Hình 5

Ngài Phục Hy vạch ra tám quẻ thành hình Bát Quái mà hình dung đại tạo hóa của Thiên Địa. Như trên đã đề cập về Thái Cực là Âm Dương chưa phân, lúc vũ trụ còn hỗn mang gọi là Thái Cực vì bao la đến vô cùng, vô tận. “Sự cùng tắc biến”, nên Thái Cực phân hóa thành Âm-Dương, mà hình thành trời (Càn) và đất (Khôn). Tuy nhiên, xưa nay bàn cãi về Bát Quái rất nhiều, nhưng chưa ai xác định được cách vạch tám Quẻ. Riêng cụ Đào văn Dương đã viết như sau:
- Riêng biệt về quẻ CÀN và KHÔN, Thánh Nhân lại ghi thêm DỤNG CỬU và DỤNG LỤC mà hậu thế muốn hiểu rõ phải xét qua ba mặt, TRIẾT HỌC, KHOA HỌC, và SỬ HỌC mới khám phá ra DỤNG CỬU và DỤNG LỤC.
Cho đến nay, không hề có một học giả Trung Hoa nào, trải qua mấy ngàn năm, đã hiểu nổi DỤNG CỬU và DỤNG LỤC. Những học giả lỗi lạc của Trung Hoa như Trần Thục Am, Kinh Phòng, và ngay cả những nhân tài bậc nhất như Chu Liêm Khê và Thiệu Khang Tiết cũng không giải thích nổi. Lý do rất giản dị là các vị đó chỉ lưu tâm đến TRIẾT HỌC, mà không biết còn phải phối hợp với TOÁN HỌC, và SỬ HỌC mới hiểu được cặn kẻ DỤNG CỬU và DỤNG LỤC...
Khởi điểm là Lưỡng Nghi DƯƠNG (
) và ÂM (
): đó chỉ là DỤNG CỬU và DỤNG LỤC lần 1 để mỗi TƯỢNG có 1 hào.
Ta thực hiện DỤNG CỬU lần nữa thì được hai tượng THÁI DƯƠNG (I) và THIẾU ÂM (II), tiếp đến là DỤNG LỤC thì được hai tượng THIẾU DƯƠNG (III) và THÁI ÂM (IV), mỗi tượng có 2 hào:

(I)
](II)
(III)
](IV)

Ta cũng nên biết: ta khởi điểm từ hào DƯƠNG (tượng I và III), vạch thêm hào Dương (tức DỤNG CỬU) thì được THÁI DƯƠNG (tượng I), còn vạch thêm hào Âm (tức DUNG LỤC) thì tất nhiên sẽ được THIẾU DƯƠNG (tượng III). Cũng như trên, ta khởi điểm từ Hào Âm (tượng II và IV) mà vạch thêm Hào Âm (tức DỤNG LỤC) thì được Thái ÂM (tượng IV), còn vạch thêm HÀO DƯƠNG (tức DỤNG CỬU) thì được THIẾU ÂM (tượng II).

Vậy TỨ TƯỢNG phải là THÁI DƯƠNG (I), THIẾU ÂM (II), THIẾU DƯƠNG (III), và THÁI ÂM (IV)...
Bây giờ, ta thực hiện DỤNG CỬU lần nữa (lần thứ ba) xuống dưới TỨ TƯỢNG thì được bốn quái thuộc CÀN ĐẠO là CÀN (1), ĐOÀI (2), LY (3), CHẤN (4):

1
2
3
4

Ta thực hiện DỤNG LỤC thì được 4 quái thuộc KHÔN ĐẠO là TỐN (5), KHẢM (6), CẤN (7), KHÔN (8).



5
6
7
8

Vậy BÁT QUÁI NGUYÊN THỦY phải là: CÀN (1), ĐOÀI (2), LY (3), CHẤN (4), TỐN (5), KHẢM (6), CẤN (7), KHÔN (8).
Nếu ta khởi điểm từ HÀO ÂM (
) rồi đến HÀO DƯƠNG (
), ta phải thực hiện DỤNG LỤC trước, rồi DỤNG CỬU sau. Ta sẽ có thứ tự ngược lại: TỨ TƯỢNG sẽ là THÁI ÂM, THIẾU DƯƠNG, THIẾU ÂM, THÁI DƯƠNG, còn BÁT QUÁI thành KHÔN, CẤN, KHẢM, TỐN, CHẤN, LY, ĐOÀI, CÀN.
Như vậy, khởi điểm từ DƯƠNG đến ÂM hay từ ÂM đến DƯƠNG, kết quả chỉ là đi từ trái sang phải hay từ phải sang trái 3.
Phần nầy tác giả bàn rất hay, nhưng tôi lại thấy có điều không ổn, hình như không đúng với Dịch Lý. Vì theo Dịch Lý thì vạch quẻ phải vạch từ dưới lên, và đọc quẻ thì đọc từ trên xuống, vả lại lý do có Bát Quái theo như truyền thuyết là như thế nầy:
- Nguyên lúc đầu Thánh Phục Hy thoạt thấy được lẽ Vũ Trụ Tạo Hóa, chỉ có một Dương một Âm. Vậy nên vạch một nét cơ (lẻ) – một nét ngang liền (
) – tức là nét Dương; lại vạch một nét ngẫu (chẵn) – hai nét ngang đứt (
) – tức là nét Âm.
Vạch xong hai nét rồi, lại thấy ở trong Vũ Trụ phải có Thiên, Địa, Nhân, mới đủ Tam Tài mà thành được Vũ Trụ. Vì vậy Dương phải có ba nét và Âm cũng phải có 3 nét. Vạch xong hai Quẻ 3 nét ấy rồi thì, thấy quẻ 3 nét Thuần Dương là Càn, quẻ 3 nét Thuần Âm là Khôn.
Khi vạch xong 2 quẻ Càn, Khôn rồi, lại thấy ở trong Vũ Trụ chẳng bao giờ cô Dương mà sinh, và cô Âm mà thành. Nếu chỉ có Thuần Âm, Thuần Dương mà thôi thì không thể thành được Vũ Trụ vậy, nên phải vạch thêm sáu quẻ nữa. Đạo Càn (Dương) nhân giao dịch với Âm mà thành ra
____________________

3. “Những Khám Phá Mới Về Dịch Kinh” của Đào Văn Dương, trang 19-20.
Dựa theo cụ Đào Văn Dương thì: biết bao nhiêu siêu nhân từ xưa đã không thấu triệt cách vạch Quẻ của thánh nhân. Theo cụ thì luôn cả Thầy Thiệu Khang Tiết là một đại tông sư Dịch Học mà cũng chưa giải thích hết được. Thử hỏi, nếu cổ nhân truyền lại một môn học nào đó, liệu có đúng 100% không? Chắc chắn phải có những sơ sót, nên những người đi sau phải có bổn phận bổ túc. Cũng thế, dù đệ tử chân truyền của Ngài Trần Đoàn viết sách Tử Vi để lại cũng chưa chắc là đúng hết, chưa kể tam sao thất bổn. Cho nên, nếu chúng ta tin thì phải “tin trong sự sáng suốt” như Đức Phật đã nói!

Tốn, Ly, Đoài; Đạo Khôn (Âm) nhân giao dịch với Dương mà thành ra Chấn, Khảm, Cấn. Do đó ta thấy từng hào một biến từ dưới lên như sau:

Quẻ Càn
Tốn
Ly
Đoài




Quẻ Khôn
Chấn
Khảm
Cấn




Nhưng ở trên là nói theo lý Âm Dương giao dịch, còn theo vạch quẻ thì Thánh Nhân vạch quẻ Càn từ dưới lên thành 3 vạch Dương (vạch dài). Khi đã đến cùng thì hào trở lại động để di xuống thành ra Đạo Càn có:

Càn (1) Đoài (2) Ly (3) Chấn (4)

Thánh Nhân vạch quẻ Khôn từ dưới lên thành 3 vạch đứt. Khi đã đến cùng thì hào trở lại động đi xuống thành ra Đạo Khôn có:

Tốn (5) Khảm (6) Cấn (7) Khôn (8)

Ta thấy trong Tiên Thiên Bát Quái các quẻ đi theo chiều nghịch vì đó là đạo Tự Nhiên trước khi có trời đất chuyển nghịch để tìm về quá khứ, (bởi Thánh Nhân muốn mượn cái đã có để tìm về cái chưa có thì phải chuyển nghịch). Do đó, trong Tiên Thiên Bát Quái trước là quẻ Càn số 1 động lần đầu thành Đoài số 2, động lần sau thành quẻ Ly số 3, động lần nữa thành Chấn số 4. Nhưng tại sao Càn động lần thứ 3 lại không thành Tốn mà thành Chấn. Đó là bởi Thánh Nhân không cho động hào dưới của quẻ Càn ở lần thứ 3, vì nếu cho động như thế thì Càn động hết 3 hào Dương sẽ trở thành quẻ Khôn còn gì, nên phải đổi thành động hào 3 ở trên và hào 2 ở giữa do trước đã động qua hai lần mà dùng cho lần thứ 3.

Kế đó là quẻ Khôn đối với Càn vì có Trời thì phải có đất. Quẻ Khôn số 8 động lần đầu thành Cấn số 7, động lần sau thành Khảm 6, động lần nữa thành Tốn số 5. Điểm tối yếu ở đây là Đạo Trời (Càn) thuận động chuyển số theo chiều thuận, 1, 2, 3, 4; Còn Đạo Đất (Khôn) chuyển nghịch số 8, 7, 6, 5. Đây là nguyên ý của Thánh Nhân nhưng chưa thấy ai bàn đến.

Đạo lý là như vậy, nhưng khi Thánh Nhân lập Đồ Tiên Thiên Bát Quái là thuận theo lẽ tự nhiên của Vũ Trụ mà sắp xếp theo từng cặp tương đối với nhau, như:

- Càn đối với Khôn: Càn là Trời ở trên, ở phương Nam, nóng thuộc Hỏa (Dương); Khôn là Đất ở dưới, ở phương Bắc, lạnh thuộc Thuỷ (Âm), đối diện với nhau định ngôi Trời Đất.
- Đoài đối với Cấn: Đoài ở Đông Nam vì Đông Nam có nhiều đầm hồ; Cấn ở Tây Bắc vì Tây Bắc có nhiều đồi núi, đó là núi đầm thông khí.
- Chấn đối với Tốn: Tốn ở Tây Nam vì Tây Nam là nơi nóng lạnh xô xát nhau sinh ra gió; Chấn ở Đông Bắc vì gió từ Tây Nam thổi qua Đông Bắc gây ra tiếng động, hoặc sáng (Ly) tối (Khôn) cọ xát nhau sinh ra sấm, đó là sấm gió xô xát.
- Ly đối với Khảm: Ly là mặt trời ở Đông vì mặt trời mọc phương Đông, Khảm là mặt trăng nên hiện ở phương Tây, đó là nước lửa thân thiết nhau.

Thuyết Quái Truyện nói rằng: “Trời Đất định vị trí phối hợp trên dưới, Núi Đầm một cao một thấp đủ thông khí, Sấm Gió tuy mỗi cái tự hưng động nhưng có thể ngầm nhập giao nhau, ứng hóa với nhau, Thủy Hỏa tuy khác tính nhưng không ghét nhau, khác mà đỡ đần nhau, Bát Quái đắp đổi nhau, lay động chà xát hỗn hợp mà sinh ra 64 quẻ”, là vậy. (Tuy nhiên, có người hiểu lầm cho rằng Thánh Nhân dựa vào địa dư của Trung Quốc mà lâp ra).
THỨ TỰ CỦA TIÊN THIÊN BÁT QUÁI

Tại sao sắp xếp theo thứ tự Càn – Đoài – Ly – Chấn – Tốn – Khảm – Cấn – Khôn?

Đối với Dịch học mà nói thì dù có thiên biến vạn hóa cũng không thoát khỏi Âm và Dương. Thầy Thiệu Khang Tiết nói: “Thứ tự Tiên Thiên Bát Quái: Càn 1, Đoài 2, Ly 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8. Càn, Đoài, Ly, Chấn thuộc phần Dương. Tốn, Khảm, Cấn, Khôn thuộc phần Âm. Càn, Đoài là Thái Dương (Lão Dương), Ly, Chấn là Thiếu Âm; Tốn, Khảm là Thiếu Dương, Cấn, Khôn là Thái Âm”.

Lại một thuyết khác cho rằng:
- Càn là Trời, có Trời mới có muôn vật.
- Đoài tiếp theo là vì đã có trời đất tất phải có sương mù.
- Ly tiếp theo là vì đã có sương mù tất phải có khí nóng đối lại.
- Chấn là do hơi nước và khí nóng gây ra nên phải tiếp theo Ly.
- Tốn tiếp theo Chấn bởi lẽ sự chuyển động sẽ gây ra gió.
- Khảm tiếp theo, bởi lẽ khi có gió thì nước chuyển theo.
- Cấn liền theo Khảm vì nước lưu chuyển kết quả sẽ làm đất thành đồi thành núi.
- Khôn ở cuối vì là sự hoàn tất của sự che chỡ, và dung chứa tất cả.

Phân Âm-Dương là thành lưỡng nghi. Lấy Dương thay cho trời, lấy Âm thay cho đất. Hào Âm và hào Dương là ký hiệu căn để hình thành Bát Quái. Hai nghi Âm – Dương trong đồ Thái Cực ôm ngoạm lấy nhau, biểu thị cho Âm Dương giao nhau trong hài hòa, để sinh sinh biến biến.

Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng là Âm Dương trùng nhau và Âm Dương giao nhau mà ra.

Tứ Tượng sinh Bát Quái, vẫn là Âm-Dương trùng hợp mà thành. Lưỡng Nghi là Âm-Dương tượng cho trời đất, giờ thêm một hào nữa cho đủ tam tài (trời, đất, người) mà thành Bát Quái. Và điều nầy cũng nói lên con người, đầu đội trời chân đạp đất, là vật chí linh được dự phần với trời đất để cải sửa số phận, hay bổ túc cho vũ trụ. Cao Hanh nói: “Thiếu Dương, Lão Dương, Thiếu Âm, Lão Âm vẫn tượng trưng cho tứ thời, Bát Quái chính là bốn cái đó tạo thành”.

Trong Tiên Thiên Bát Quái thấy từ 1, 2, 3, 4 đi ngược chiều kim đồng hồ; còn 5, 6, 7, 8 thì lại thuận chiều. Đây là một điểm tối quan trọng cho môn Tử Vi, nhưng chưa thấy ai bàn đến. Chúng ta sẽ bàn trong phần thành lập lá số Tử Vi, và an sao Tử Vi.
IV. HẬU THIÊN BÁT QUÁI
Nhiều người cho rằng Hậu Thiên Bát Quái là dựa theo phương vị của các quẻ Thuyết Quái trong câu:

1. Đế xuất hồ Chấn: Vũ trụ vận động bắt đầu từ quẻ chấn (Quẻ Chấn là phương Đông, lệnh của tháng 2, mùa Xuân, mặt trời phương Đông mọc lên, là thời kỳ tỏa chiếu cho vạn vật sinh trưởng).

2. Tế hồ Tốn: Vận hành đến quẻ Tốn, vạn vật đã đầy đủ, hưng vượng (Quẻ Tốn là Đông Nam, lệnh của tháng 3 tháng 4, mặt trời đã lên cao, chiếu rọi vạn vật rõ ràng).

3. Tương kiến hồ Ly: Quẻ Ly là tượng trong ngày ánh sáng rực rỡ, mọi vật đều thấy rõ (Quẻ Ly là phương Nam lệnh của tháng 5, chính là lúc mặt trời ở trên cao, nhìn rõ mọi vật đang sinh trưởng).

4. Chí dịch hồ Khôn: Thiên đế (chỉ vũ trụ) giao cho đất (Khôn) trọng trách (dịch) nuôi dưỡng vạn vật (Quẻ Khôn là phương Tây Nam, lệnh của tháng 6 tháng 7; khôn là đất, nuôi dưỡng vạn vật, thời kỳ vạn vật đã phát triển đầy đủ).

5. Thuyết ngôn hồ Đoài: là lúc vạn vật tươi vui (thuyết tức tươi vui) bèn ứng ở quẻ Đoài là phương Tây lệnh của tháng 8, chính là lúc hoa quả trĩu đầy, lúc mừng được mùa).

6. Chiến hồ Càn: Thời khắc tương ứng với quẻ Càn, vạn vật mâu thuẫn, đối lập, đấu tranh (Quẻ Càn là phương Tây Bắc, lệnh của tháng 9 tháng 10. Mặt trời đã Xuống chân phía Tây, là lúc tối sáng, Âm-Dương đấu tranh lẫn nhau).

7. Lao hồ Khảm: Khi vũ trụ đã vận hành đến khảm, mặt trời đã lặn, vạn vật mệt mỏi (Quẻ Khảm là phương Bắc, lệnh của tháng 11. Khảm là nước không ngừng chảy, nghĩa là lao khổ. Mặt trời ở phương nầy hoàn toàn không có, vạn vật đã mệt mỏi, là lúc nên nghỉ).

8. Thành ngôn hồ Cấn: Vũ trụ vận hành đến quẻ Cấn là đã hoàn thành một chu kỳ và sắp bước sang một chu kỳ mới (Quẻ CẤn là phương Đông Bắc, lệnh của tháng 12 và tháng Giêng, tức giao thời của Đông và Xuân, đen tối sắp qua, ánh sáng sắp tới, vạn vật đến đây đã kết thúc một ngày, cũng là lúc ngày mới sắp bắt đầu).

Rất nhiều người đã cho rằng, “quá trình tuần hoàn của Hậu Thiên Bát Quái hầu như là quá trình thuận, tức mô phỏng trời quay sang trái”. Tức là sự chuyển động tự nhiên của trái đất phải quay theo chiều kim đồng hồ. Trong “Vân Đài Loại Ngữ” của Lê Qúi Đôn, chương Hình Tượng loại có bàn như sau:

- Đối với thuyết “trời quay về tả, mặt trời, mặt trăng và 5 vì sao (Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh) chuyển về hữu”, xưa nay bàn cãi đã nhiều. Nhưng theo Kinh Dịch: “Trời đất thuận chiều mà chuyển động, cho nên mặt trời, mặt trăng đi không quá độ”, thì cứ lấy câu ấy ta cũng đủ xét đoán.
Cứ xem trên mặt đất thì thấy 7 sao (tức là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, mặt trời và mặt trăng) lớn đi về phía tả, chứ có thấy chuyển về phía hữu đâu? Nay xét ngược lại cho hợp với trời, thì không chỗ nào không có thể bảo là thuận động.

Có Trời Đất thì có bốn Mùa, rồi bốn Mùa lại chia ra thành tám Thời: Xuân Thủy (đầu Xuân), Xuân Chí (giữa Xuân), Hạ Thủy (đầu Hạ), Hạ Chí (giữa Hạ), Thu Thủy (đầu Thu), Thu Chí, Đông Thủy, Đông Chí.

Đông Ba nói: “Vua Phục Hy đặt ra 8 quẻ, mỗi quẻ 3 vạch để tượng trưng 24 khí tiết. Thiên Nguyệt Lệnh trong kinh Lễ chua rằng: Chu Công làm ra phép xem giờ, định ra 24 khí, 72 tiết hậu. Lấy 5 ngày là một tiết hậu, một tháng 6 tiết hậu, 5 nhân với 6 là 30 ngày, 3 tiết hậu là một khí, một khí có 15 ngày” (4).

Họ lấy Khảm, Chấn, Ly, Đoài làm Quẻ bốn Mùa. Bốn Quẻ nầy mỗi Quẻ chủ quản 6 Tiết Khí: Đông chí, Tiểu Hàn, Đại Hàn, Lập Xuân, Vũ Thủy, Kinh Trập do Khảm chủ quản; Xuân phân, Thanh Minh, Cốc Vũ, Lập Hạ, Tiểu Mãn, Mang Chủng do Chấn chủ quản; Hạ Chí, Tiểu Thử, Đại Thử, Lập Thu, Xử Thử, Bạch Lộ do Ly chủ quản; Thu Phân, Hàn Lộ, Sương Giáng, Lập Đông, Tiểu Tuyết, Đại Tuyết do Đoài chủ quản. Mỗi Quái có 6 Hào, mỗi Hào quản một Tiết Khí, và mỗi Tiết Khí có Sơ Hậu, Thứ Hậu, Mạt Hậu nên 24 Tiết Khí có tổng cộng 72 Hậu.

Lý luận Quái Khí nói trên, là lấy từ Quái Cấn đến Quái Càn làm Quái giao biến tin tức cho 12 Tháng. Lấy 48 Quái còn lại phối với 12 Tháng như vậy mỗi Tháng có 5 Quái tin tức, mỗi Quái 6 Hào lần lượt chủ quản 6 Ngày, và 5 Quái có 30 Hào làm số ngày cho mỗi Tháng. Đây là chỗ dựa để chế định lịch pháp mà sách “Tam Thống Lịch” của cha con Lưu Hướng, Lưu Hâm, “Chính Quan Lịch” đời Bắc Ngụy, “Khai Nguyên Đại Diễn Lịch” đời Đường đều áp dụng (5).

Thứ Tự Hậu Thiên Bát Quái thể hiện nam nữ giao hợp, vạn vật hóa sinh, thuyết minh Đạo Càn thành nam,Đạo Khôn thành nữ. Nếu được khí của cha làm nam, được khí của mẹ làm nư. Ba nam đều lấy Khôn mẹ làm Thể, Càn cha làm Dụng; ba nữ đều lấy Càn cha làm Thể, Khôn mẹ làm Dụng. Tượng trưng cho một gia đình: Càn là cha, Khôn là mẹ, Chấn là con trai trưởng, Tốn là con gái trưởng, Khảm là con trai giữa, Ly là con gái giữa, Cấn là con trai út, Đoài là con gái út. Còn biểu tượng cho cơ thể con người thì Càn là đầu, Khôn là bụng, Chấn là chân, Ly là mắt, Đoài là miệng, Tốn là tay và đùi, Khảm là tai, Cấn là mũi.

Trong Tử Vi: Càn ở cung Hợi, Khôn ở cung Thân, Chấn ở cung Mão, Tốn ở cung Tỵ, Khảm ở cung Tí, Ly ở cung Ngọ, Cấn ở cung Dần, Đoài ở cung Dậu. Những Quẻ nầy thấy cần cho việc đoán sanh con, trai hay gái, tốt hay xấu cho đương số, và sẽ tốt cho đứa nào trong Tử Vi. Không biết có ai áp dụng Bát Quái để đoán cung Tử Tức hay Phu Thê trong Tử Vi chưa, nhưng trong thực tế tôi áp dụng thấy cũng khá đúng.
____________________
TIÊN THIÊN QUÁI
PHỐI VỚI TƯỢNG CỦA HÀ ĐỒ


Hình 7


“Chu Dịch Triết Trung – Khải Mông Phụ Luận” nói rằng: “Phương bên trái của Hà Đồ, Dương ở trong Âm ở ngoài, lấy Tiên Thiên Quái phối vào là Chấn Ly Đoài Càn, tượng trưng Dương trưởng, Âm tiêu vậy. Phương bên phải nó, Âm ở trong Dương ở ngoài, lấy Tiên Thiên phối vào là Tốn Khảm Cấn Khôn, tượng trưng Âm Trưởng, Dương tiêu. Đại để vì lẽ đó tượng cho hai khí giao động”.


HẬU THIÊN QUÁI
PHỐI VỚI TƯỢNG CỦA HÀ ĐỒ


Hình 8

“Khải Mông Phụ Luận” nói rằng: “Số 1, 6 của Hà Đồ là Thủy, phối với quẻ Khảm của Hậu Thiên. Số 3, 8 là Mộc phối với hai quẻ Chấn Tốn của Hậu Thiên. Số 2, 7 là Hỏa phối với quẻ Ly của Hậu Thiên. Số 4, 9 là Kim phối với hai quẻ Đoài Càn của Hậu Thiên. Số 5, 10 là Thổ phối với hai quẻ Khôn Cấn của Hậu Thiên, hai quẻ ấy chu lưu ở Xuân Hạ Thu Đông, bốn quý mà thiên vượng ở chỗ giao của Sửu Mùi. Chỉnh lại bức Đồ hình dùng để tượng trưng cho việc thuận sắp bày năm khí Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”.


TIÊN THIÊN QUÁI
PHỐI VỚI SỐ CỦA LẠC THƯ


Hình 9


“Khải Mông Phụ Luận” nói rằng: “Chín số của Lạc Thư (hư) không dùng, số 5 ở giữa đem phối với Tiên Thiên Bát Quái, Dương ở trên Âm ở dưới, vì vậy 9 là Càn, 1 là Khôn. Nhân từ 9 mà nghịch số. Chấn 8, Khảm 7, Cấn 6. Càn sinh ba Dương vậy. Lại từ 1 mà thuận số Tốn 2, Ly 3, Đoài 4. Khôn sinh ba Âm vậy. Lấy 8 số và 8 quẻ phối với nhau, mà vị trí của Tiên Thiên Bát Quái chính là hợp khớp với nhau vậy”.

Theo ông Mai Cốc Thành: “Thuật gia lấy Càn phối 9, Khôn phối 1, Ly phối 3, Khảm phối 7, đó là số lẻ, vì vậy là Dương; Đoài phối 4, Chấn phối 8, Tốn phối 2, Cấn phối 6, đó là số chẵn vì vậy là Âm”.


HẬU THIÊN QUÁI
PHỐI VỚI SỐ CỦA LẠC THƯ


Hình 10


“Khải Mông Phụ Luận” nói rằng: “Trên Hỏa dưới Thủy vì vậy 9 là Ly, 1 là Khảm. Hỏa sinh táo Thổ, vì vậy 8 ở bậc dưới 9 mà là Cấn. Táo Thổ sinh Kim vì vậy 7, 6 ở bậc dưới 8 mà là Đoài, Càn. Thủy sinh thấp Thổ, vì vậy 2 tiếp sau 1 mà là Khôn. Thấp Thổ sinh Mộc, vì vậy 3, 4 tiếp sau 2 mà là Chấn, Tốn. Lấy 8 số và 8 quẻ phối với nhau mà vị trí của Hậu Thiên Bát Quái hợp vậy”.

“Theo thầy Thiệu Khang Tiết: 'Lấy Văn Bát Quái là vị trí để dùng, cái học Hậu Thiên. Chu Tử lấy số của Lạc Thư để dùng. Thuật gia phi cung đến thay, toàn dùng Hậu Thiên Bát Quái phối với Lạc Thư. Phép nầy lấy Khảm 1, Khôn 2, Chấn 3, Tốn 4, giữa 5, Càn 6, Đoài 7, Cấn 8, Ly 9 làm thứ tự'”.

“Lưu Hâm nói rằng: 'Bát Quái Cửu Cung cùng nhau làm biểu lý'”.

“Trương Hoành nói rằng: 'Thánh Nhân gặp việc quan trọng dùng Bốc Phệ, việc tạp dùng Cửu Cung', thì từ đó đến nay đã xa lắm vậy”.

***
May thay, nay nhờ “Hiệp Kỷ Biện Phương Thư” mà chúng ta lại được học những Đồ hình quý giá nầy, xin độc giả đừng bỏ qua mà hoang phí!

Những gì sưu tầm được và viết ra đây chỉ là một phần nhỏ của DỊCH, mà tôi đã áp dụng để khám phá TỬ VI, nên không làm sao hoàn toàn và đầy đủ như quý vị mong đợi. Xin độc giả thông cảm!
__________________
* “Hiệp Kỷ Biện Phương Thư” của Mai Cốc Thành chủ biên, Nhà Xuất Bản Cà Mau (trang 47-52). Sách nầy là sách lịch thông dụng của triều Thanh, là vạn niên thông thư, chủ trì biên soạn bởi nhà Thiên Văn học Mai Cốc Thành, là cháu của nhà số học trứ danh Mai Văn Đỉnh, dâng lên hoàng đế Càn Long thẩm định và ban phát ra cho thiên hạ, vì thế còn có tên là “Thẩm Định Biện Phương Thư”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét